Giải trình về xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, sản xuất phân bón
Sáng ngày 05/01 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức phiên “Giải trình về tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogypsum (Gyps) và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị Giải trình về tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogypsum (Gyps) và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1696 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; giao Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, tổ chức giám sát, kiểm tra việc xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón; Đồng thời, bổ sung quy định, thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón phải hoàn chỉnh đến khâu xử lý và có phương án thu hồi tro, xỉ, thạch cao.
Năm 2017, Thủ tướng tiếp tục có Quyết định số 452 phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, kể cả phục vụ công trình Thủy điện như Sơn La, Lai Châu. Nhưng trên thực tế đến nay, lượng tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất còn thấp, có nhiều bất cập, có nơi như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và một số nhà máy nhiệt điện phía Bắc không có để bán thì tại các tỉnh miền Trung, miền Nam lại không thể tiêu thụ được, gây tổn thất nặng nề và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Về nguyên nhân thì có nhiều, trong đó nguyên nhân nổi cộm nhất được cho là thiếu cơ chế, chính sách thực sự hỗ trợ việc thúc đẩy tiêu thụ. Hơn nữa, thị trường vẫn quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam; giá thành gạch không nung cao; thiếu các chính sách về thuế (thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, thuế tài nguyên và môi trường đối với các sản phẩm gạch nung truyền thống) nhằm tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung và gạch không nung…
Theo Bộ Công Thương, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 12,2 triệu tấn/năm, trong đó, lượng phát thải tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 60% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 19% tổng lượng thải. Trong năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,25 triệu tấn.
Về xử lý và sử dụng chất thải Gyps, hiện đã có một vài đơn vị thành công trong xử lý chất thải Gyps của một nhà máy hóa chất phân bón thành thạch cao nhân tạo, có khả năng thay thế thạch cao tự nhiên, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang hoạt động cầm chừng, hoặc chậm triển khai dự án do đầu ra tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Như vậy, cần phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng xử lý được chất thải Gyps của các nhà máy hóa chất phân bón…
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi, chất vấn; các bộ ngành đã giải trình về tình hình xử lý và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý môi trường đối với khí thải, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogypsum (Gyps) và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hoan nghênh Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức phiên giải trình. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc từ lâu và cần có giải pháp xử lý kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, gây ảnh hưởng môi trường, tác động không nhỏ đến sản xuất, đầu tư của địa phương và cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu thực hiện đúng Sơ đồ điện lực VII điều chỉnh, đến 2030 cả nước sẽ có 46 nhà máy nhiệt điện, ước tính lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm thì xử lý tro, xỉ là một vấn đề lớn. Nếu giữ cách thức làm hiện nay sẽ có 424 triệu tấn tro, xỉ không xử lý được, chưa kể 12 triệu tấn thạch cao không xử lý được.
Về những nguyên nhân gây ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy có nguyên nhân từ quy định pháp luật, cũng như giải thích pháp luật, song Chính phủ hiện chưa có văn bản đề xuất giải thích pháp luật. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn là cơ sở pháp lý cho thực hiện chưa đủ. Phó Chủ tịch cho rằng các bộ ngành, địa phương chưa phối hợp tốt, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, trong khi về mặt nguyên tắc, công tác nghiên cứu khoa học phải chứng minh rõ về khả năng sử dụng tro xỉ, phát thải từ nhà máy hóa chất, phân bón.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ ngành cần tập trung rà soát hệ thống luật, nghị định, thông tư, bảo đảm ban hành ngay tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu để đảm bảo có thể giải quyết được các vướng mắc trong quá trình xử lý ro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogypsum (Gyps) và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất.
Qua các ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, trong phát thải của nhà máy có loại là chất thải độc hại, nhưng có loại có thể tái sử dụng, giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ ngành cần tập trung rà soát hệ thống luật, nghị định, thông tư, qua đó cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã giải quyết được đòi hỏi của thực tế chưa, xác định rõ vấn đề nào cần làm rõ ngay; bảo đảm ban hành ngay tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu, thậm chí sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước tiên tiến để xử lý tốt tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogypsum (Gyps) và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất./.
www.quochoi.vn
- Phát triển vật liệu xây không nung và sử dụng tro, xỉ thạch cao: Thực tế chưa như kỳ vọng
- Tổng hợp các loại gạch không nung phổ biến nhất 2020
- Tìm hiểu về máy ép gạch ống không nung công nghệ ép tĩnh
- Khám phá công nghệ biến gạch xây nhà thành pin
- Tổng hợp các mẫu gạch lát vỉa hè phổ biến nhất 2020
- Gạch silicat là gì? Ưu điểm của gạch vôi cát trong xây dựng
- Bảng báo giá gạch không nung Đức Thành mới nhất 2020
- Sử dụng gạch không nung giúp bảo vệ môi trường hiệu quả
- Gạch không nung chiếm 30% thị trường vật liệu xây năm 2020
- Ký Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm Cơ khí chế tạo công nghệ cao Đức Thành
- Hội Việt – Mỹ trao quyết định kết nạp hội viên mới
- Đức Thành đầu tư gần 12 triệu USD vào khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
- Khi rô bốt làm ... gạch không nung
- Công nghệ sản xuất vật liệu xây gạch không nung: Bước tiến mới của doanh nghiệp Việt
- Hà Tĩnh: Khánh thành nhà máy ngói gạch không nung công nghệ cao lớn nhất Việt Nam
- Ngành xây dựng Hà Tĩnh phát triển vật liệu xanh, dần xóa lò gạch thủ công
- Dự án 9.000 tỷ đồng bị "tuýt còi" vì không sử dụng gạch không nung
- Dừng đầu tư mới, mở rộng sản xuất gạch đất sét nung
- Quy định mới nhất về sử dụng vật liệu xây gạch không nung trong các công trình xây dựng
- Quảng Nam: Những người "mê" gạch không nung